(đăng bài nầy để kỷ niệm một thời quen nhau)
Nhà nghiên cứu MAI KHẮC ỨNG – Ảnh: Đoàn Tử Huyến.
MAI KHẮC ỨNG
Một lần lên chùa Thiên Mụ gặp đoàn khách có người dẫn, tôi nhập lại để nghe thuyết minh. Nền cũ đinh Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên được chọn làm diễn đài. Mở đầu giới thiệu về cõi danh lam này, người của ngành du lịch Huế véo von mấy câu ca nằm lòng.
“Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương.
Mịt mờ khói tỏa ngàn sương,
Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay”.
Tôi nghe rồi ngờ ngợ như lạ như quen, như đúng như sai. Muốn hỏi, nhưng chưa tiện. Bởi sau lời mở là chuyện về tên con sông trước mặt hấp dẫn quá. Sông này đã có lúc được gọi là Lô Dung, bởi chảy ra cửa biển một thời mang tên ấy. Từ năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, sai người vào quản lý Thuận Hóa đã đổi Lô Dung thành Tư Khách. Tư Khách là Tư Hiền ngày nay. Linh Giang, Tư Khách, Tư Hiền có liên hệ gì với bốn vị Thủ lĩnh chống Minh phục Trần, bị Trương Phụ bắt giải về Yên Kinh đã nhảy xuống biển tuẫn tiết đầu thế kỷ XV hay không, chưa có tư liệu nào cho biết! Mạc hết thời. Lô Dung mang tên sông Dinh. Sang giữa thế kỷ XVI, khi Kim Trà được đổi thành Hương Trà và địa danh Hương Thủy xuất hiện thì dòng sông nằm giữa đất Hương Trà, Hương Thủy mới chính danh là Hương Giang.
Tuy vậy cho đến nay vẫn còn hai luồng giải thích.
Một là dựa vào huyền thoại “bà nhà trời” khuyên Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng mà thần dân xứ Đang Trong trân trọng gọi là chúa Tiên, thắp một nén hương rồi ngồi lên yên cho ngựa chạy dọc bờ tả ngạn con sông này về phía hạ lưu, hương cháy hết ở đâu thì đất định đô tại đó. Thể theo lời “bà nhà trời” và cũng để tri ân, Đoan Quốc Công mới cho xây cất một ngôi chùa trên đỉnh đồi Hà Khê rồi đặt tên là Thiên Mụ tự (1601).
Tấm bia đá lộ thiên truớc tam quan, phía sau tháp Phuớc Duyên kia, do nhà vua Nguyễn Hoằng Tông cho khắc và dựng vào năm Khải Định thứ 4 (1920) có nội dung như thế, nên nhiều nguời nghi rằng sông mang tên Hương bởi sự tích này.
Một nén hương le lói dăm ba cây số ven bờ thành tên sông sao được. Hơn nữa tên Hương Giang có trước năm 1601, ít nhất là 43 năm. Tôi thầm nghĩ thế.
Luồng thứ hai lại cho rằng vì bên bờ dòng sông này có lắm cây “thạch xương bồ” hoa rất thom. Hoa thơm tỏa hương bát ngát mới nên tên sông Hương.
Nghe vậy thì biết vậy. Từ trước đến nay chưa mấy ai nhìn thấy thạch xương bồ bên bờ dòng sông này. Có chăng trên mạn A Đớt, A Roàng xa lắc. Vả lại, ở những noi đó chưa phải là sông mà chỉ là những con suối nhỏ.
Thế đấy, vùng đất một thời được mệnh danh là “Ô châu ác địa” chỉ tên một con sông không thôi cũng đã lắm đa đoan.
Nghĩ lại mà coi. Ô, Lý thành Thuận Hóa, nguời Chăm buồn nhượng địa, nguời Việt buồn “Tiếc thay cây quế giữa rừng”. Lai láng một dòng sông cứ tích tụ nỗi buồn man mác.
Hồ Quý Ly cướp công nhà Trần, quân Minh lấy cớ tràn sang thôn tính Đại Việt. Đặng Dung trong một phút lưỡng lự sợ giết nhầm nguời đã để Trương Phụ thoát chết. Không lâu sau đó, tên tướng giặc gian manh này lựa lúc nhóm phục Trần sơ ý đã bất ngờ vây bắt Trần Quý Khoách, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy giải về Tàu. Ra cửa Tư Hiền cả bốn vị nhảy xuống sông xuống biển tuẩn tiết. Sông Hương mang mối hận “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch” từ đó.
Chuyện Huế, chuyện sông Hương với ngành du lịch nói mấy cho vừa, vả lại thời gian đâu để mà trao đổi với nhau cho thấu ngọn ngành. Bởi qua vài lời dạo đầu là những điều cụ thể cần phải nghe ví như quả chuông khổng lồ nặng 3.285 cân ta (2.025kg), được đúc vào năm 1710 dưới thời Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân Nguyễn Phúc Chu. Tấm bia đá cẩm thạch cũng do vị chúa Nguyễn thứ 6 này soạn nội dung và cho khắc, dựng vào năm 1715 nói về công cuộc xây dựng chùa Thiên Mụ suốt một năm với khoảng 20 công trình lớn nhỏ gồm lâu, đài, điện, viện, … ở trung tâm và ngót 20 công trình kiến trúc khác tại các khu Côn Gia, Phương Truợng chung quanh.
15 năm Phú Xuân duới Vương triều Tây Son (1786-1801), ngót 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ của ngôi danh lam này đã bị tàn phá. Phan Huy Ích một vị trọng thần duới truớng vua Quang Trung, từng có mặt nơi đây, sau bốn năm trở lại, không ngờ cõi danh lam hoành tráng dường ấy đã tan hoang thành một phế tích nằm giữa điêu linh nên cảm cảnh mới viết nên bài thơ “Dấu tích chùa xua” (1792 – 1796).
“Nhị thập niên tiền du lãm xứ,
Vân dương tiều xướng bất kham thinh…”
(Hai mươi năm trước từng viếng cảnh/Chiều tà, tiều hát, chẳng buồn nghe)
Quả là tang thương ngẫu lục.
Chỉ mới nghe thế thôi đã bái phục vị chúa mộ Phật làm nên một thời cực thịnh của xứ Đàng Trong. Và, xót xa thay những công trình giàu đức nhân văn nhuờng ấy lại lọt vào tay những kẻ vô thần. Rối ren từ đó mà nên.
Cho hay một thể chế xã hội biết chọn đạo mà thờ thì dân yên nuớc ổn.
Năm Gia Long thứ 14 (1815), mặc dù công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế đang bề bộn, nhà vua Nguyễn Thế Tổ vẫn cho xây dựng lại chùa Thiên Mụ, nhưng không thể phục nguyên theo quy mô xưa nên chỉ cho làm mới ba ngôi điện là Đại Hùng, Di Lặc, Quan Âm xếp thành hình chữ “tam” với điện Thập vương và lầu Tàng kinh như chúng ta thấy hiện thời. Vào năm Thiệu Trị thứ 4(1844), nghĩa là 29 năm sau, nhân lễ bát tuần đại khánh bà Thái hoàng Thái hậu Thuận Thiên, nhà vua Nguyễn Hiến Tổ tự thiết kế và cho xây dựng tháp Phuớc Duyên 7 tầng thờ “quá khứ thất Phật”. Từ đó tháp Phuớc Duyên không chỉ là biểu tuợng của ngôi danh lam này mà còn là biểu tuợng xứ Huế có khi còn đại diện cho cả miền Trung. Ngoài tấm bia đá to lớn viết về công cuộc xây dựng tháp Phước Duyên nhà vua-nhà thơ này còn cho khắc thêm một số bài thơ. Trong đó có bài Thiên Mụ Chung Thanh, đã đuợc tuyển với 19 bài thơ khác làm nên tập Ngự chế thi “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” …
Xong phần giới thiệu chung, du khách được tùy nghi di tản để lục vấn, để vãng cảnh tự do, tôi lại trở ra mạn la thành bên phải phía trước lặng nhìn cho thấu sông Hương mà lục trí nhớ xem còn nẻo khuất nào trong tâm khảm dan díu với mấy câu ca mở màn vừa nghe.
Sông Hương man mác phẳng như một tấm guong. Lồng lộng với vòm trời xanh và vài ba dải mây trắng lững lờ trôi. Tôi liên tưởng ngay mặt nuớc Hồ Tây khi đứng ở đuờng Cổ Ngư nhìn lên mé chợ Bưởi. Thế là câu ca cũ lắng sâu trong ký ức tôi từ từ dấy lên.
“Gió đua cành trúc la đà
Hồi chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Thôi rồi! Một thời xa lắc ai đó từ phía bắc vào, gặp sông Hương kiều diễm mà thanh bình, êm đềm mà sâu lắng phẳng như tấm gương soi cả vòm trời, bổng liên tưởng đến Hồ Tây mới thay Thiên Mụ vào Trấn Võ, thay Thọ Cương vào Thọ Xương rồi “Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay” mà gửi nổi bâng khuâng của mình để thay “Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Nhịp chày giả bột giấy Yên Thái (làng Buởi) thậm thình trong sương khói Hồ Tây. Nổi niềm của người tha phương la đa theo cành trúc bên mặt nước sông Hương đã kéo cả Thọ Xương, Trấn Võ vào với Thọ Cương, Thiên Mụ. Thế rồi, có những lúc trà dư tửu hậu, nhớ thêm vài mẫu dân ca, ân tình mà lai láng xứ bắc mới nhận ra rằng xa xưa Huế là một điểm hẹn, một trạm chờ trung chuyển dài ngày nên những nỗi lòng di lưu đã đọng lại thành tâm hồn bản địa.
Bất giao Nguyệt Biều hữu.
Bất thú Dạ Lê thê.
Bất tranh Thế Lại trưởng.
Bất thực Lương Quán Kê.
Nghe qua tôi nhận ra ngay đó là “đặc khẩu” Sơn Tây mà những năm 1955, 1956 khủng khiếp tôi đã từng đuợc nơi đó cưu mang .
Mạc giao Đông Viên hữu.
Mạc tảo Phùng Thượng thê.
Mạc tranh Đại Đồng truởng.
Mạc thực Mỹ Lương kê.
Trai Nguyệt Biều có hào hoa phong nhã như trai Đông Viên hay không, chưa ai một lần so sánh bàn luận. Nhưng chỉ thế thôi đã để lại cho người hôm nay nhận ra rằng Huế từng là điểm hẹn chờ nhau nhiều ngày tháng. Người tứ xứ phía ngoài đa từng đọng lại nơi đây như thể chờ nhau đi tiếp. Bởi Nam, Ngãi, Bình, Phú bên trong và Thanh, Nghệ, Bình, Trị bên ngoài chẳng nơi đâu có nhiều chứng tích trùng ngôn tương tự.
Từ những điều như thế tôi nhận ra bản sắc sông Hương qua dáng một vị Thiền sư, một đấng chân nhân đẹp cả tâm lẩn tuớng. Khác với nhiều dòng sông đất nuớc, sông Hương không quá hung dữ lúc lu lụt, không quá khắt khe keo kiệt khi nhiều nắng vắng mưa. Thùy mị nên êm đềm, thanh bình nên cẩm tú. Vì thế nhiều tao nhân mặc khách mới hình dung sông Hương như một dáng anh thư nhu mì kiều diễm, thư thái, đoan trang, gom đủ tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” mà người Việt một thời nhắc nhau gìn giữ. Bởi những điều như thế nên Đại Thi hào Nguyễn Du từng viết nên bài Thu Chí để đời:
“Hương Giang nhất phiếm nguyệt.
Kim cổ hứa đa sầu.
Vãng sự bi thanh trủng
Tân thu đáo bạch đầu
Hữu hình đồ dịch dịch
Vô bệnh cố câu câu
Hồi thủ Lam Giang phố
Nhàn tâm tạ bạch âu”.
Nguyễn Du
Dịch nghia:
Thu Đến
Một mảnh trăng sông Hương
Xưa nay mang nhiều nỗi sầu.
Nhìn nấm mồ xanh cỏ mà buồn chuyện cũ
Thu mới đến qua mái đầu bạc trắng.
Vì có thân nên thân khốn khổ
Không bệnh nên ráng giữ gìn.
Quay đầu nhìn bến sông Lam
Yên lòng cảm tạ chim âu trắng.
(Võ Kỳ Điền)
Dịch thơ:
Thu Đến
Một mảnh trăng muôn thuở,
Hương Giang vương vấn sầu.
Chuyện xưa mồ xanh cỏ
Thu vừa sang bạc đầu.
Có thân là thân khổ,
Không bệnh cố giữ lâu.
Quay nhìn Lam Giang bến,
An lòng tạ hải âu.
(Mai Khắc Ứng)
Đứng truớc chùa Thiên Mụ ta lặng ngắm mặt nuớc từ duới chân đồi Hà Khê lên phía ngả ba Bằng Lãng sẽ nhận ra “mặt gương Tây Hồ” mà câu ca nguời truớc đã muợn. Ví von bởi tâm hồn đa cảm nguyên vẹn tình xưa nằm lại trong câu ca vừa Thăng Long vừa Phú Xuân sao mà da diết vậy. Từng làn sóng nhẹ truờn lên ven bờ để những vạt cỏ nép xuống chốc lát rồi lại thản nhiên ngoi lên. Những bờ hoa xen giữa các bờ cây ken nhau bên mấy lối mòn chân đất như những dải khăn cột diềm sông vào với chân làng làm nên sự gần gủi thân tình.
Sông say. Lòng người say. Và, đền đài cũng nghiêng ngả say.
Sông Hương hóa rượu ta đến uống.
Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.
(Nguyễn Trọng Tạo)
Và, có lẽ vì thế mới dấy lên trong tâm hồn lữ khách niềm vui, nỗi buồn mỗi khi “Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương” cùng gọi sáng.
Một vùng non nuớc thấm đẫm mầu thiền mới có Long Thọ (Bồ tát Nagajunas) mới có Nguyệt Biều (bầu trăng), Ngọc Trản (chén ngọc), mới có Hương Thủy, Hải Cát, Lương Quán, An Bình, An Ninh, An Lạc, Xuân Hòa,…
Ngôn ngữ bác học làm nên địa danh bình dân bởi sự êm đềm của một vùng non nuớc đẹp sau một quá trình dài giao lưu và tiếp nhận đa làm nên những nét riêng tu của Huế.
Dấu xua đâu mất đâu còn
Mắt xưa mưa móc mài mòn con ngươi.
(Nguyễn Duy)
Truớc năm 1975 con đuờng gối vào đầu phố Lê Lợi từ cầu Ga chạy lên Long Thọ, Nguyệt Biều mang tên Huyền Trân Công Chúa. Thủy chung, ân nghĩa ngày xưa thể hiện trong sự tri ân như thể làm nên điểm tựa nhân văn của một dòng chảy muôn năm để nuôi mãi khúc Nam Bình sâu lắng.
“Nuớc non ngàn dặm ra đi,
Cái tình chi?
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.
Độ xuân thì!
Cái lương duyên hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì!
Khúc ly ca,
Sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng, bóng như hoa quỳ…
Dặn một lời Mân Quân,
Nay chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần!”
(Ưng Bình Thúc Dạ Thị)
Ô, Lý thành Thuận, Hóa không tốn máu xương. Thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là bậc vi nhân đất Việt. Nhưng nhàn cư ngồi nghi “Tình đem lại mà cân” vẫn gây nên “Đắng cay muôn phần” giữa được và mất.
Vì nước quên thân. Vì mỹ nhân quên nước. Thiện và bất thiện đọng lại trong mối bang giao thế kỷ.
“Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm.
Một gái thuyền quyên của mấy mươi!”
(Hoàng Cao Khải)
Sông Hương như thể ngậm ngùi. Trời Huế như thể đồng cảm. Mưa Huế mỗi cuối năm hơn hẳn mọi miền đất nước bởi sự dai dẳng triền miên quên tháng quên ngày.
Sau một quảng dài, Thuận Hóa là điểm dừng chân của các thế hệ nam tiến, Phú Xuân trở thành Thủ phủ của xứ Đàng Trong, Phú Xuân trở thành Kinh đô của nước Việt. Các lớp thầy và thợ mọi miền đến đây xây dựng Thủ phủ, xây dựng Kinh đô. Các lớp sĩ tử ba miền tề tựu thi Hội, thi Đình làm nên náo nức. Các bậc sĩ phu cùng nhiều hạng tao nhân mặc khách Bắc Trung Nam lai kinh… Ít nhiều, hay dở đều mang hương sắc văn hóa mỗi vùng đến Huế làm cho chủ nhân đất thần kinh cảm thấy tự mình cũng cần lớn cao hon. Tân, chủ giao lưu và năm tháng vốn có tiềm năng của một băng từ vô hình thu gom tích lũy. Sông Hương trở thành cái nôi thơ như thể mặc nhiên bởi ý trời và lòng người tương dữ.
“Con sông giùng giằng con sông không chảy.
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
(Thu Bồn)
“Huế rất sâu” bởi biết thành tâm đón nhận mọi nỗi niềm, mọi sinh cảnh và cả mọi tình cảnh, bởi sẵn sàng cưu mang và chấp nhận. Đắng cay lắm. Ngọt bùi nhiều. Thi ca Huế dư nguồn bởi “tốt vốn” lại giàu tiềm năng và điều may mắn nhất là sông Hương luôn luôn bao dung và luôn luôn được ưu ái, luôn luôn là nơi đón nhận.
“Huế đẹp, Huế thơ” phát xuất tự hồn thiêng và sự trong lành mà kiều diễm của dòng sông xứ sở.
Cung đường từ cầu Bạch Hổ xuống cầu Gia Hội song song với mặt thành phía nam của Kinh đô Huế và song song với bờ bắc sông Hương đoạn tương ứng. Trục trung đạo (dũng đạo) của Kinh thành Huế trùng với trung trực của cung đuờng này lập thành trục tung và hoành của Kinh đô. Năm Gia Long thứ 18 (1819), nhà vua Nguyễn Thế Tổ cho xây dựng tại phía bắc giao điểm trục tung và hoành này một công trình kiến trúc hai tầng nhỏ nhưng đẹp rồi ban tên: Phu Văn lâu. Phu Văn lâu là nhà niêm yết các văn bản của triều đinh đứng phía truớc Kinh thành nhìn ra sông Hương như một biểu tượng của sự minh bạch. Do nhu cầu nguời hiền tài ra giúp nuớc và từng bước thay quan có học vào vị thế quan có công chiến trận, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua Nguyễn Thánh Tổ cho mở kỳ thi Hội đầu tiên tại Huế đã tuyển đuợc một vị Hoàng giáp và bảy vị Tiến sĩ.
Là kỳ thi Hội khai khoa mở đầu trào lưu tiến thân bằng khoa cử, và lần đầu tiên Phu Văn lâu treo bảng vàng đại khoa. Theo thông lệ vua ban từ đó cứ 3 năm tổ chức một kỳ thi Hương và một kỳ thi Hội. Thi Hương tổ chức từng vùng theo quy định của triều đinh. Thi Hội tổ chức tại Kinh đô. Bảng vàng ghi tên tuổi, quê quán các vị Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến si, Phó bảng của các khoa thi Hội được treo tại Phu Văn lâu. Vì thế nên Phu Văn lâu có lúc mang thêm tên mới là Bảng đinh.
Từ khoa thi Hội đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3 (Nhâm Ngọ,1822) đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (Kỷ Mùi, 1919), Vương triều Nguyễn đã tuyển đuợc 2 vị Bảng nhãn, 9 vị Thám hoa, 44 vị Hoàng giáp, 238 vị Tiến si, 210 vị Phó bảng (thời Nguyễn bỏ học vị Trạng nguyên nhưng thêm học vị Phó bảng nên Bảng nhãn coi như Trạng nguyên). Theo lối học khoa cử ngày truớc, các vị Bảng nhãn cho chí Cử nhân, Tú tài đều biết làm thơ. Nhà Nho là nhà thơ từ lẽ đó.
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) nhà vua Nguyễn Hiến Tổ cho khắc bài thơ Ngự chế Hương Giang Hiểu Phiếm vào bia đá dựng trong một ngôi nhà nhỏ mái lợp ngói, gọi là Bi đình bên phải Bảng đinh. Tiếp đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhân sinh nhật lần thứ 40, nhà vua thứ ba Vương triều Nguyễn đã hạ chỉ để trong triều ngoài nội tiến cử các vị bô lão hiền lương. Dịp này nhà vua đã cho đón 773 vị bô lão trên cả nuớc với tổng số là 59.017 tuổi về Kinh đô Huế dự lễ tứ tuần đại khánh diễn ra suốt 3 ngày tại quảng trường Phu Văn lâu hồ hởi như “Hội nghị Diên Hồng”.
Do thời gian giữ ngôi quá ngắn, nhà vua Nguyễn Hiến Tổ chưa có dịp Ngự giá gần xa, nhưng qua cuộc tiếp xúc thân tình với các bậc hiền lương luống tuổi lần ấy đã để lại ấn tượng gần gủi mà sâu xa trong lòng thần dân cả nuớc.
Để lưu dấu tích sự kiện trọng đại này, năm Tự Đức thứ 6 (1852), nhà vua Nguyễn Dực Tông đã cho dựng tại bến Phu Văn lâu một công trình kiến trúc trùng thiềm điệp ốc mang dáng dấp thủy tạ rồi ban tên là Nghinh Lương đình. Nghinh Lương đình không cao lớn đồ sộ nhưng lại là biểu tượng gần gủi thân dân đứng bên bờ sông như một cái neo Kinh thành thả xuống sông Hương để gắn niềm vui vào gương trong mặt nước.
Tuởng là ngẫu nhiên về sự hiện diện của Bảng đinh Phu Văn lâu (1819), Bi đinh thơ Huong Giang Hiểu Phiếm (1843), Nghinh Lương đinh (1852. Nhưng khi quan sát thấu đáo vị trí của ba công trình kiến trúc khiêm tốn này đều đứng trên và bên trục trung đạo truớc Kỳ đài mà hai bên có hai lối vào Kinh thành qua hai cửa mang tên Thể Nhân (trái), Quảng Đức (phải) với vọng lâu đuờng bệ uy nghi đã tổ thành bố cục làm nên diện mạo tiếp xúc của Kinh đô. Nhân và đức là khát vọng, là hoài bảo của một đất nuớc từ đó đã bày ra truớc mắt thiên hạ.
Nghinh Lương đình với dấu nối sông Huong đã kéo Ngự Bình bên bờ nam xích lại gần hơn với Phu Văn lâu, với Kỳ đài cũng có nghia là với Kinh đô Huế.
Mới từng đó hình tuợng như thể được hòa vào bài thơ Huong Giang Hiểu Phiếm được khắc lên bia đá đứng trong bi đinh đã nhắc nhỡ “Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành”.
Sông Hương một thực thể tự nhiên thiên nhiên về địa lý đã trở thành một bộ phận thuộc “cơ thể” của Kinh thành. Và, chính sông Hương đã gọi Kinh thành đến, rồi lại làm sáng vị thế độn Ba Tầng bên phía bờ nam mà gắn vào Nghinh Lương đình cũng có nghia là gắn vào Phu Văn lâu, Kỳ đai, gắn vào Kinh đô Huế. Ba Tầng đuợc chọn làm tiền án Kinh đô mới nên Ngự Bình, xét cho cùng là nhờ sông Hương vậy.
Xem ra nhân lý đã hòa hợp được với thiên lý, địa lý của vùng Hương Ngự (không phải là Ngự Hương) nguời xưa mới dọn chỗ cho cho Kinh đô đứng lên trong mối quan hệ “tam tài”.
Vậy là, ngay điểm giao tiếp ban đầu chỉ với Phu Văn lâu, Nghinh Lương đình, cùng hai ô cửa Thể Nhân, Quảng Đức như phô ra trên mặt nuớc sông Hương đã hội thành một môi truờng thơ, một tiềm năng thơ, một nguồn thơ vô tận. Đọc cho hết bài tho Hương Giang Hiểu Phiếm rồi lắng lại mà suy ngẫm từ một làn sương khói ban mai trên sông Hương. Một âm thanh nhẹ nhàng dìu dặt phát ra từ mái chèo tuởng cùng lắc lư với bờ cây đẫm sương đem như say ruợu trời. Trên đỉnh cao xa xanh của các ngọn núi, từng đóa hoa rừng như vẫy chào các làn mây trắng. Tất cả những điều như thế đã hòa vào nhau làm nên hồn sông, hồn nuớc, làm nên sự êm đềm vang ngân như một cõi xa xăm âm thanh trong lắng sống động mà hài hòa để làm nên “thương lang khúc”. Và, chính vào thời điểm thần tiên đó, mặt trời bừng lên từ phương đông phả những tia nắng đầu ngày xuống vạn vật. Sông Hương như cánh cửa đón ánh sáng trời truớc tiên làm bừng sáng cả kinh thành.
Thế là từ thuở “Nuớc non ngàn dặm ra đi” sông Hương yêu kiều diễm lệ trở thành sông thơ. Sông là mạch nguồn của đất. Sông cũng mang lòng trời. Đất,Trời gợi ý cho nguời viết thơ. Thơ do con nguời làm ra. Sông do trời đất làm nên. Ai riêng phận ấy. Nào ngờ từ khi vị vua thứ ba của Vương triều Nguyễn cho khắc in một đặc sản thơ “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” trong đó có Hương Giang Hiểu Phiếm (Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương) tôi mới vở lẽ ra rằng dưới vòm trời này mọi thứ, mọi vật là của nhau. Sông Hương dù “Nhất phái” nhưng không đơn độc mà chính là một bộ phận của Kinh đô tự giác “hộ đế thành”. Thiên tạo đã hóa nên nhân tạo vậy. Một giọt móc cũng ví như ruợu trời để cây rung gió lắc lư say. Một đóa hoa trên núi như muốn níu kéo đám mây trời dừng lại. Và, tất cả những điều trong buổi ban mai ấy đã làm nên tình sông, tâm hồn sông. Thế rồi ánh nắng òa lên ấy là lòng trời phả xuống mặt sông như phả vào cánh cửa Kinh thành.
Sông Hương sống động. Sông Hương nghia tình. Sông Hương là một thể của “tam tài” dành cho Kinh đô Huế bởi thiên lý, địa lý, nhân lý vậy.
Truớc và sau Hương Giang Hiểu Phiếm chưa có bài thơ nào bao la mà cô đúc một thể trạng tổng hợp gắn bó hài hòa đến thế.
Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành,
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.
Ba bình xuân thủy lung yên sắc,
Chu trục thần phong động lỗ thanh.
Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,
Sơn hoa do tuyến kết vân anh.
Kỷ hồi hà hiết thương lang khúc,
Song khuyết phương thăng thụy nhật minh.
Tạm dịch:
Một dải sông sâu bảo vệ thành
Nuớc trong gió mát tự nhiên sinh.
Sông xuân sóng lặng mờ sương khói
Gió sớm chèo bơi tiếng động thanh.
Cây thấm ruợu trời say chuếnh choáng
Mây lồng hoa núi vấn vương tình.
Dòng xanh lưu mãi hồn thiêng vọng,
Sáng cửa kinh thành vạt nắng hanh.
(Mai Khắc Ứng)
Canada, 2015